Khóa đào tạo được thực hiện với sự tham gia của Ông Okumura Tsuyoshi – chuyên gia Nhật Bản tại Việt Nam, bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục CT&BVNTD) cùng các công chức, viên chức của Cục.
Mở đầu chương trình, ông Tiêu Quang Khánh – phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trình bày tổng quan về thị trường bán lẻ tại Việt Nam và một số thương vụ tập trung kinh tế điển hình trong thời gian gần đây. Ông cho biết, hiện nay, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang dần dịch chuyển từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyển nhượng, trung tâm thương mại và kể cả bán hàng không thông qua cửa hàng như hình thức bán hàng trực tuyến và giao tới tận nhà. Các mô hình bán lẻ hiện đại này đã tăng cường thương mại, dịch vụ và đưa hàng hóa đến người tiêu dùng thuận tiện hơn như: bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng, áp dụng phương thức tự phục vụ, phương thức thanh toán thuận tiện, phương thức trưng bày hàng hóa phong phú, sáng tạo, đa dạng.
Theo thống kê trên website Euromonitor.com, với quy mô 180 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 14% trong ngành bán lẻ, đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Trong các nghiên cứu về cạnh tranh cũng như các vụ việc cạnh tranh đã được điều tra thực tế, rào cản thị trường là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ cạnh tranh trên thị trường hiện tại cũng như tương lai. Rào cản thị trường càng lớn thì tính cạnh tranh của thị trường càng thấp. Tại Việt Nam, một số rào cản gia nhập thị trường bán lẻ qua siêu thị bao gồm: rào cản tài chính, rào cản kỹ thuật, công nghệ, rào cản chiến lược và rào cản pháp lý, chính sách.
Để học viên hiểu sâu hơn về thị trường bán lẻ tại Việt Nam, diễn giả Phan Vân Hằng – Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế (Cục CT & BVNTD) đưa ra ví dụ điển hình về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ tại các hệ thống siêu thị. Cụ thể, năm 2016, Central Group – Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan đã chi hơn 1 tỉ USD để sở hữu Big C Việt Nam. Đây là một vụ việc tập trung kinh tế điển hình được phòng Kiểm soát tập trung kinh tế thẩm định với các bước khá phức tạp và là tiền lệ để xem xét, thẩm định cho các hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bán lẻ, siêu thị sau này.
Trình bày tại Khóa đào tạo, ông Okumura Tsuyoshi giới thiệu khái quát về thực trạng cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ tại Nhật Bản và kinh nghiệm để đánh giá các vụ việc liên quan. Bên cạnh đó, ông đưa ra vụ việc về hành vi vi phạm Luật chống độc quyền Nhật Bản trong lĩnh vực bán lẻ, cụ thể là hành vi ấn định giá bán của doanh nghiệp kinh doanh đồ trắm trại Coleman (Nhật Bản) để học viên có thêm các cơ hội tiếp cận với vụ việc trong và ngoài nước.
Bà Trần Phương Lan đưa ra bình luận và phân tích bổ sung đối với một số vụ việc được trình bày tại khóa đào tạo.
Tại Khóa đào tạo, diễn giả và học viên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về thị trường bán lẻ qua kênh siêu thị; thực hành kỹ năng đánh giá quy mô, cấu trúc, mức độ tập trung thị trường; khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh thông qua một số vụ việc tập trung kinh tế điển hình tại Việt Nam. Đến với Khóa đào tạo, các học viên có được cái nhìn tổng quan nhất về thị trường bán lẻ tại Việt Nam cũng như tăng cường kĩ năng đánh giá vụ việc tập trung kinh tế trong lĩnh vực bán lẻ theo quy định của pháp luật cạnh tranh.