BVNTD

Ngày cạnh tranh thế giới mùng 5 tháng 12

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Sự ra đời và ý nghĩa của Ngày cạnh tranh thế giới mùng 5 tháng 12

Ngày 5 tháng 12 năm 1980, Liên hợp quốc đã thông qua các tiêu chuẩn quốc tế đối với pháp luật cạnh tranh, sau đó được gọi là Bộ tiêu chuẩn hướng dẫn của Liên hợp quốc về Chính sách cạnh tranh. Bộ tiêu chuẩn này đã giúp ích cho nhiều nước đang phát triển trong quá trình soạn thảo và áp dụng các đạo luật cạnh tranh mới. Từ khoảng 30 quốc gia vào năm 1995, đến nay có hơn 120 quốc gia đã, đang áp dụng hoặc cải tiến, sửa đổi pháp luật cạnh tranh hiện có của họ, đồng thời có thêm một số quốc gia khác cũng sắp cho ra đời hoặc sửa đổi Luật cạnh tranh.

Năm 2010, tại Hội nghị tổng kết lần thứ 6 của UNCTAD, Bộ tiêu chuẩn đã được các đại biểu tích cực từ hơn 100 quốc gia phát triển và đang phát triển xem xét, đánh giá. Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Bộ tiêu chuẩn. Để đánh dấu lễ kỷ niệm này, đề xuất công nhận ngày 5 tháng 12 là Ngày cạnh tranh thế giới đã được đưa ra tranh luận trong Mạng lưới quốc tế các tổ chức xã hội dân sự về cạnh tranh (INCSOC), một liên minh quốc tế có phạm vi bao phủ 66 quốc gia. Tại Hội nghị, rất nhiều đại biểu đã đồng tình tổ chức kỷ niệm Ngày cạnh tranh thế giới tại quốc gia mình. Họ cũng nhất trí chọn ngày này để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về hành vi phản cạnh tranh và các hình thức phối hợp với cơ quan cạnh tranh trong phát hiện và điều tra.

Có thể thấy, chủ đề cho các hoạt động chào mừng Ngày cạnh tranh thế giới trong hai năm 2010 và 2011 đều nhắm đến các hành vi các-ten (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh). CUTS cho rằng, chương trình tuyên truyền lên án các-ten có thể mang lại lợi ích đa phương cho cả cơ quan/chính phủ và người tiêu dùng. Hành vi các-ten đang đánh cắp hàng tỷ đô la từ doanh nghiệp, người đóng thuế và cuối cùng là từ người tiêu dùng. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ cạnh tranh thông qua hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao với giá cả thấp hơn, sự lựa chọn phong phú hơn. Khi các đối thủ thỏa thuận loại bỏ cạnh tranh và câu kết với nhau, người tiêu dùng sẽ mất đi những lợi ích này. Quá trình cạnh tranh chỉ xảy ra khi các đối thủ định giá độc lập với nhau. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, văn hóa cạnh tranh còn yếu kém, người tiêu dùng bị hạn chế trong hiểu biết về tác hại của các-ten. Đã có những trường hợp cá nhân và doanh nghiệp nhận thức được về các hoạt động các-ten nhưng lại miễn cưỡng hoặc không muốn cảnh báo cho cơ quan cạnh tranh hay phối hợp trong công tác điều tra.

Đối với các cơ quan cạnh tranh, việc tham gia, tổ chức các chương trình giáo dục và tiếp cận cộng đồng nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các-ten và đưa ra các chỉ dẫn nhận biết về hành vi các-ten cũng như các công cụ phát hiện như chương trình khoan dung, bảo vệ nhân chứng… có một ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì từ đó nó có thể trở thành nguồn cung cấp thông tin ban đầu để khởi xướng điều tra, khuyến khích các bên liên quan tự nguyện khai báo và phối hợp với cơ quan cạnh tranh nhằm phá vỡ các-ten.

Cuộc phát động lần thứ nhất

Ngày cạnh tranh thế giới được tổ chức CUTS phát động lần thứ nhất vào ngày 5 tháng 12 năm 2010 với chủ đề “Các-ten vận tải hàng không quốc tế và tác động của nó đối với các nước đang phát triển”.

Hành vi các-ten trong lĩnh vực vận tải hàng không được hàng chục hãng hàng không lớn nhất thế giới thực hiện từ năm 1999 đến năm 2006 thông qua việc thỏa thuận thống nhất các mức phụ phí nhiên liệu và phụ phí an ninh. Từ năm 2006 đến nay, vụ các-ten quốc tế lớn này đã bị phát hiện và điều tra đồng loạt ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Canada, Úc, New Zealand… Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, có mức ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường và người tiêu dùng, các cơ quan cạnh tranh có chung quan điểm phải xử lý quyết liệt bằng cách phạt nặng với mức phạt tiền rất cao, thậm chí áp dụng biện pháp phạt tù.

CUTS cho rằng, các hành vi các-ten trong ngành công nghiệp vận tải hàng không cần phải được tất cả doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm, chú ý bởi vì chúng có tác động hết sức tiêu cực đến nỗ lực phát triển kinh tế và giảm nghèo ở các nước đang phát triển.

                Cuộc phát động lần thứ hai

Năm 2011, CUTS kêu gọi các cơ quan cạnh tranh trên toàn thế giới tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày cạnh tranh thế giới lần thứ hai, hướng đến chủ đề “Các-ten và tác hại đối với người tiêu dùng”.

CUTS đưa ra một số công cụ/phương pháp sau đây để các cơ quan cạnh tranh có thể áp dụng nhằm mục đích phổ biến thông tin liên quan đến các-ten cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ở quốc gia mình trong Ngày cạnh tranh thế giới mùng 5 tháng 12 năm 2011, bao gồm:

          Tổ chức hội thảo/triển lãm;

          Chuẩn bị các tài liệu tuyên truyền, vận động chính sách như tờ rơi, áp phích…;

          Xuất bản/đăng tải các bài báo/thông cáo báo chí;

          Thực hiện chiến dịch tin nhắn SMS;

          Các phương pháp khác.

Ngày cạnh tranh thế giới phải được nhân rộng ra thành chiến dịch toàn cầu. Nó cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển, bởi vì với sự hạn chế về nguồn lực và sự yếu kém trong pháp luật cạnh tranh, các nước đang phát triển ít có khả năng tiến hành điều tra và xử lý các vụ việc các-ten quốc tế. Do vậy, các nước đang phát triển phải đổi mới và sử dụng các phương tiện, công cụ khác nhau để xử lý các hành vi phản cạnh tranh quốc tế. Ngày cạnh tranh thế giới cũng là một dịp tốt để các cơ quan cạnh tranh, trong đó có cơ quan cạnh tranh các nước đang phát triển tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng ở quốc gia mình, đồng thời tăng cường giao lưu, hợp tác với các cơ quan cạnh tranh khác nhằm mục đích nâng cao năng lực thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh.

Nguồn: insoc.net.

Người viết: Hoàng Thị Thu Trang

Đơn vị: Ban Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương