BVNTD

Những đóng góp của chương trình hỗ trợ hậu gia nhập WTO (BWTO) trong việc nâng cao thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content
Nối tiếp những thành tựu của giai đoạn 2001-2010, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị – xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”. 
Để đạt được mục tiêu trên, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải chọn đúng các khâu đột phá – những khâu hiện đang là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển mà nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo ra những tiền đề giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Ba đột phá quan trọng đã được Chính phủ đề xuất, trong đó bước đột phá đầu tiên và quan trọng nhất chính là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.[1]
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam. Thông qua Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO (BWTO) do AusAid và DFID tài trợ, trong thời gian vừa qua Cục QLCT đã tiến hành nhiều hoạt động với 3 mục tiêu chính:
– Rà soát chính sách cạnh tranh, nghiên cứu sửa đổi bổ sung để hoàn thiện Luật cạnh tranh và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cạnh tranh Việt Nam;
– Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý cạnh tranh và phòng vệ thương mại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế;
– Hỗ trợ công tác giải trình kinh tế thị trường và trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại để đối phó thành công các vụ kiện chống bán phá giá từ nước ngoài cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Với rất nhiều hoạt động tích cực được triển khai, cho đến nay dự án “Nâng cao năng lực cho Cục QLCT nhằm tăng cường thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam” đã phát huy hiệu quả thực tế và góp phần vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường cạnh tranh của các ngành kinh tế trọng điểm
Ngày 12 tháng 12 năm 2012, tại khách sạn Nikko (Hà Nội), Cục Quản lý cạnh đã tổ chức buổi hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế” do Chương trình BWTO tài trợ. Nhằm mục đích đánh giá mức độ và môi trường cạnh tranh của các lĩnh vực dưới góc độ của chính sách, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam dựa trên bộ tiêu chí của DFID, 10 lĩnh vực của nền kinh tế được lựa chọn bao gồm: lĩnh vực sản xuất (ô tô tải, bột giặt, giấy, dầu thực vật, kính xây dựng) và lĩnh vực dịch vụ (phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền). Các yếu tố được báo cáo xem xét và đánh giá bao gồm: quy mô thị trường; rào cản gia nhập và rút lui khỏi thị trường; cấu trúc thị trường, thực trạng hoạt động cạnh tranh trên thị trường, nhận diện các hành vi phản cạnh tranh đã và đang có khả năng xuất hiện trong từng lĩnh vực được đánh giá.
Đây là lần thứ hai Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện báo cáo đánh giá cạnh tranh trong các lĩnh vực của nền kinh tế nhận được sử ủng hộ, đánh giá cao từ các bên tham dự hội thảo. Các ý kiến nhận xét, bình luận tại hội thảo, đặc biệt là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Ủy Ban Tư vấn về Chính sách thương mại Quốc tế đều cho rằng báo cáo này là một sản phẩm có ý nghĩa, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Cục và các cơ quan hữu quan, cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế Báo cáo đã đề cập.
Tiếp nối những thành công này, Cục QLCT đang tiếp tục xây dựng báo cáo 10 ngành năm 2013 với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về môi trường cạnh tranh, làm cơ sở để xem xét đánh giá môi trường cạnh tranh trong các ngành kinh tế trọng điểm, có ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế xã hội, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các cơ quan điều tiết ngành nhằm tăng cường môi trường cạnh tranh trong các ngành này. Đồng thời, Cục QLCT cũng đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ nhằm giảm bớt rào cản gia nhập ngành, nâng cao sức cạnh tranh trong ngành và tiến tới tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, là nền tảng cốt lõi của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Áp dụng các Pháp lệnh về PVTM của Việt Nam
Với những hỗ trợ của Chương trình BWTO trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ Cục QLCT về kỹ năng xử lý các vụ việc PVTM, Cục QLCT đã dần hình thành được đội ngũ cán bộ trẻ nhưng năng động và am hiểu về các biện pháp PVTM. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được trong các khóa đào tạo cũng như thực tập tại các văn phòng luật của Châu Âu và Hoa Kỳ, các cán bộ Cục QLCT đã nắm bắt được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể tự tin tiến hành điều tra xử lý các vụ kiện PVTM theo pháp luật Việt Nam.
Cho đến nay, 3 Pháp Lệnh PVTM của Việt Nam liên quan đến CBPG, chống trợ cấp và tự vệ đã có hiệu lực được gần 10 năm nhưng Việt Nam mới chỉ chính thức điều tra 2 vụ liên quan đến việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào tháng 7 năm 2009 và mặt hàng dầu thực vật tinh luyện vào năm 2013. Đối với mặt hàng kính nổi, cơ quan điều tra đã kết luận sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu không phải nguyên nhân chính dẫn đến các thiệt hại của ngành sản xuất trong nước nên đã không ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ. Còn đối với mặt hàng dầu thực vật, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2564/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng thuế nhập khẩu với mức 5% đối với hàng hóa nhập khẩu nêu trên.
Ngoài ra, đối với hành vi chống bán phá giá, ngày 06 tháng 5 năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã chính thức tiếp nhận hồ sơ của công ty TNHH POSCO VST và công ty cổ phần Inox Hòa Bình yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ 4 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Đây là lần đầu tiên một vụ khởi kiện theo Pháp lệnh Chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được cơ quan điều tra của Việt Nam chính thức nhận đơn dù Pháp lệnh này đã được thông qua từ năm 2004.
Nâng cao năng lực ứng phó với các vụ kiện PVTM từ nước ngoài
Năm 2010, Việt Nam đã lần đầu tiên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khiếu kiện quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 11 tháng 7 năm 2011, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) đã kết luận Hoa Kỳ áp dụng phương pháp quy về 0 (hay còn gọi là Zeroing) để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO. Đây là khiếu kiện trọng tâm của Việt Nam, vì việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam. Việc chiến thắng ngay trong lần đầu tiên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO đánh dấu một bước ngoặt cho thấy sự trưởng thành của Việt Nam trong việc vận dụng các quy định WTO để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Đối với các vụ kiện chống trợ cấp, thay vì phải thuê luật sư tư vấn toàn bộ vụ việc như trước kia, Cục QLCT đã bước đầu tìm hiểu và tự thực hiện các công tác như thu thập thông tin, hoàn thiện bản trả lời, gửi bản trả lời, làm đầu mối tổ chức các cuộc họp trù bị và họp thẩm tra. Đặc biệt, trong vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc áo thép, lần đầu tiên, Chính phủ đã giải quyết một vụ kiện chống trợ cấp mà không cần thuê luật sư nước ngoài, đánh dấu sự trưởng thành và tự tin của các cơ quan Chính phủ trong việc đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp phức tạp.
Có được những thành công này không thể không kể đến đóng góp rất lớn từ các hỗ trợ của Chương trình BWTO thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo và thực tập trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Những kiến thức này đã được chia sẻ và phổ biến giữa những cán bộ được cử đi đào tạo và những cán bộ còn lại trong Cục. Nhờ đó, năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng thực tế của các cán bộ Cục đang ngày càng được tăng cường đáng kể.
Tăng cường hiệu quả giải trình kinh tế thị trường
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã phải chấp nhận bị đối xử như nền kinh tế phi thị trường cho đến 31 tháng 12 năm 2018. Điều này rất dễ tạo điều kiện cho các nước không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường tiến hành các vụ kiện như trên. Với sự hỗ trợ của Chương trình BWTO, Cục QLCT đã xây dựng báo cáo tổng thể về nền kinh tế thị trường của Việt Nam phục vụ công tác giải trình và đàm phán quy chế kinh tế thị trường với các đối tác thương mại. Báo cáo năm 2011 đã được sử dụng để làm tư liệu trong các buổi làm việc chính thức của Cục QLCT trong vấn đề này. Xuất phát từ mục đích của Báo cáo và yêu cầu thực tiễn, Báo cáo cập nhật nền kinh tế thị trường của Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2013 đã có những thay đổi cấu trúc và bổ sung một số nội dung phù hợp thực tiễn công tác giải trình với các đối tác cũ (Hoa Kỳ và Liên Minh châu âu) và đối tác mới (dự kiến Canada, Brasil và Thổ Nhỹ Kỳ).
Trong đó báo cáo đã tập trung là rõ các nội dung cụ thể quan trọng mà EU và Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua như: chính sách bồi thường về đất đai, doanh nghiệp nhà nước kết quả cổ phần hóa và nguyên nhân cổ phần hóa chậm, giải trình các kế hoạch định hướng về hài hòa tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế, thực tiễn thực thi quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ thời gian qua.
Căn cứ trên cơ sở nội dung Báo cáo tổng hợp giải trình KTTT do Chương trình BWTO tài trợ, hàng năm Việt Nam đã xây dựng các Báo cáo riêng căn cứ theo yêu cầu từng nước để giải trình KTTT. Các báo cáo này đã phát huy tích cực thông qua kết quả về việc công nhận quy chế KTTT của các nước. Đặc biệt, đối với 2 đối tác chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, trong năm 2012, phía EU trong báo cáo làm việc của Nhóm Công tác VN – EU đã có những công nhận đối với đổi mới đáng kể của nền kinh tế Việt Nam như tiến bộ đáng kể trong việc ban hành các chính sach pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực thi quyền sở hữu tài sản, thực thi hiệu quả luật doanh nghiệp. luật đầu tư đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN nhà nước – DN tư, DN trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt hệ thống tài chính – ngân hàng có những tiến bộ rõ rệt.
Cho đến nay công tác giải trình KTTT vẫn thực hiện một cách đều đặn thường xuyên. Mỗi năm phía Việt Nam luôn tích cực xây dựng, cập nhật lập luận vận động phù hợp cho các đối tác về các thông tin nền kinh tế mà đối tác yêu cầu. Kết quả cho thấy từ năm 2011 nay đã có thêm 13 nước công nhận nền KTTT của Việt Nam (trong đó có những nước quan trọng như Nhật Bản, 4 nước khối EFTA). Trong đó, riêng trong năm 2012 đã có 10 quốc gia công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam. Như vậy, sau hơn 5 năm vận động kể từ khi gia nhập WTO, đến nay có tổng 38 nước công nhận nền KTTT của Việt Nam, trong đó có 9 nước thành viên G20 (Nhật, Trung quốc, hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia,…). Đáng chú ý là trong số gần 16 nước đã từng tiến hành điều tra PVTM đối với Việt Nam thì có 6 nước đã công nhận nền KTTT của Việt Nam.
 

(Nguồn: HTQT)

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương