BVNTD

Những nguyên tắc cần lưu ý khi áp dụng Luật cạnh tranh

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

1. Nguyên tắc sử dụng điều khoản xác định hiệu lực hoặc dẫn chiếu

Nguyên tắc đầu tiên đó là phải lưu tâm đến những điều khoản xác định hiệu lực áp dụng hoặc dẫn chiếu áp dụng. Điều khoản xác định hiệu lực là điều khoản quy định một cách rõ ràng trong trường hợp có sự xung đột, mâu thuẫn thì luật nào sẽ được chọn áp dụng. Ví dụ, Điều 5, Luật cạnh tranh quy định về áp dụng Luật cạnh tranh, các luật khác có liên quan và điều ước quốc tế, theo đó trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật cạnh tranh với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của Luật cạnh tranh. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật cạnh tranh thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Căn cứ theo quy định này có thể xác định trong trường hợp có quy định khác nhau thì Luật cạnh tranh được áp dụng. Quy định dẫn chiếu là quy định nhằm dẫn chiếu đến một quy định cụ thể trong pháp luật khác có quy định về một nội dung cụ thể. Ví dụ, Khoản 1, Điều 9, Luật viễn thông quy định doanh nghiệp viễn thông không được thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật cạnh tranh.

Trong trường hợp có sự mâu thuẫn, xung đột mà văn bản pháp luật cụ thể có điều khoản xác định hiệu lực hoặc điều khoản dẫn chiếu thì căn cứ vào đó có thể xác định được luật áp dụng và cơ quan có thẩm quyền thực thi.

2. Sử dụng nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

Trong nhiều trường hợp để xác định được luật áp dụng và/hoặc cơ quan có thẩm quyền thực thi phải sử dụng nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 83, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Những nguyên tắc trên đây được sử dụng hữu hiệu trong rất nhiều trường hợp. Ví dụ, theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra và Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh. Nhưng tại Thông tư số 18/2012/TT-BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương quy định giám sát thị trường phát điện cạnh tranh có giao thẩm quyền điều tra và xử lý đối với hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường cho Cục điều tiết điện lực. Rõ ràng ở đây có sự khác nhau trong các quy định về cùng một vấn đề. Vì vậy căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 83, Luật ban hành QPPL thì Luật cạnh tranh được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc loại trừ hiệu lực của Thông tư số 18/2012/TT-BCT, tức là loại trừ thẩm quyền của Cục điều tiết điện lực.

3. Vận dụng nguyên tắc pháp lý ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành

Trong thực tiễn và lý luận pháp lý có đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung. Đây là một nguyên tắc pháp lý có thể được áp dụng trong những trường hợp nhất định và trong những điều kiện xác định. Tuy nhiên, khi áp dụng nguyên tắc này cần phải xác định một cách rõ ràng đâu là luật chuyên ngành, đâu là luật chung hay nói cách khác phải xác định đâu là luật chung đâu là luật riêng. Mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Trong quan hệ này có thể một văn bản pháp luật được coi là luật chung nhưng trong quan hệ khác văn bản pháp luật đó có thể được coi là luật riêng. Trong quan hệ với các luật khác, Luật cạnh tranh là luật chung hay luật riêng cũng là một trong những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Nếu đứng trên quan điểm Luật cạnh tranh là hiến pháp của nền kinh tế thị trường, áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế thì lúc đó Luật cạnh tranh sẽ là luật chung và các pháp luật chuyên ngành khác là luật riêng. Vì vậy, khi áp dụng sẽ ưu tiên áp dụng luật riêng. Còn nếu đứng trên quan điểm Luật cạnh tranh chỉ quy định và điều chỉnh riêng đối với vấn đề cạnh tranh mà không quy định và điều chỉnh đối với những vấn đề khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì khi đó Luật cạnh tranh lại được coi như luật riêng. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến cạnh tranh phải được áp dụng theo các quy định của Luật cạnh tranh.

4. Lưu ý những trường hợp có sự mâu thuẫn

Khi sử dụng các nguyên tắc trên đây cũng cần lưu ý những trường hợp có sự mâu thuẫn, hay nói cách khác là trong cùng một trường hợp nhưng có thể có nhiều hơn một sự lựa chọn, nhiều hơn một nguyên tắc áp dụng. Ví dụ, theo quy định của luật cạnh tranh, trường hợp tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia từ 30% đến 50% thì phải thông báo cho Cơ quan quản lý cạnh tranh (Điều 20). Trong khi theo quy định của Luật viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông khi tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường dịch vụ liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng hai luật lại quy định hoàn toàn khác nhau. Nhưng vì đây là hai văn bản luật cùng do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý ngang nhau nên không thể áp dụng nguyên tắc văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để loại trừ áp dụng. Khi căn cứ vào các quy định và nguyên tắc pháp lý nêu trên thì có ít nhất hai lựa chọn. Nếu căn cứ quy định tại Điều 5, Luật cạnh tranh thì trong trường hợp này sẽ áp dụng Luật cạnh tranh. Nhưng nếu căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 83, Luật ban hành QPPL thì trong trường hợp này sẽ áp dụng Luật viễn thông vì luật này được ban hành sau. Như vậy, trong trường hợp này xuất hiện hai sự lựa chọn khác nhau vì vậy giữa các cơ quan liên quan cần có sự hợp tác với nhau.

                                                     Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương