edf40wrjww2News:News_Content
1. Nền tảng di động Android – giá trị ‘ước đoán lên tới’ 50 triệu USD
Tháng 10/2010, phụ trách bộ phận M&A của Google David Lawee đã gọi thương vụ Android là “thương vụ thành công nhất”. 3 năm sau, Android được chính thức tung ra thị trường và cho tới nay nó đã trở thành nền tảng hệ điều hành điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới. Thương vụ này do cựu lãnh đạo Danger là Andy Rubin thực hiện.
2. Tìm kiếm thông tin xã hội Aardvark, trị giá 50 triệu USD
Google đã chi ra khoản tiền trên để mua lại dịch vụ Q&A tìm kiếm xã hội Aardvark từ tháng 2 năm ngoái. Có khả năng các dịch vụ của công ty này sẽ được tích hợp vào mạng xã hội mới Google+.
3. Nền tảng thanh toán trên mạng xã hội Jambool, 70 triệu USD
Google đã mua nền tảng thanh toán di động Jambool vào tháng 8/2010. Các nhà quan sát cho rằng đây là một trong các nỗ lực chuẩn bị của Google khi tham gia vào cuộc chơi mạng xã hội. Trên thực tế thì Google lại đang xây dựng một hệ thống thanh toán tích hợp thẳng vào ứng dụng độc lập khác. Đầu tháng 3/2011, Google công bố lộ trình sử dụng hệ thống thanh toán độc lập này thay thế hoàn toàn cho dịch vụ Jamboon Social Gold vào tháng 5 năm nay.
4. Nền tảng quảng cáo Invite Media, 81 triệu USD
Với việc sáp nhập công ty công nghệ quảng cáo này vào tháng 6/2011, Google đã biến ông chủ trẻ 24 tuổi Nat Turner thành triệu phú. Invite media cung cấp nền tảng DSP cho phép người dùng trao đổi quảng cáo với chi phí thích hợp. Hiện dịch vụ này vẫn chưa tích hợp vào các dịch vụ quảng cáo khác của Google.
5. Công cụ hiển thị Feedburner RSS, 100 triệu USD
Google kết thúc thương vụ này vào tháng 6/2007 để nắm công nghệ cung cấp các công cụ cho những công ty quảng cáo và người dùng quản lý các nội dung cập nhật qua RSS mà công ty Feedburner RSS sở hữu. Tuy nhiên tính tới thời điểm này, có vẻ RSS đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với trào lưu Twitter (đang được điều hành bởi chính chủ cũ của Feedburner – Dick Costolo).
6. Tìm kiếm hình ảnh Like.com, khoảng hơn 100 triệu USD
Google mua công ty tìm kiếm này và sử dụng nhân lực của nó để xây dựng chuyên trang tìm kiếm dành cho phái đẹp Boutiques.com.
7. Applied Semantics, 102 triệu USD
Như có nói ở trên, David Lawee có thể nghĩ rằng Android là thương vụ thành công nhất của Google. Song từ khía cạnh của các nhà đầu tư thì vụ sáp nhập Applied Semantics, chủ sở hữu công nghệ AdSense mới xứng đáng với danh hiệu này. Nền tảng quảng cáo trả tiền dựa trên từ khóa tìm kiếm đang là nguồn thu và mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Google.
8. (đồng thứ hạng) Tự động đặt quảng cáo trên đài dMarc, 102 triệu USD
Vụ này là một thất bại của Google. Hãng đã tiến hành mua lại công nghệ đặt quảng cáo tự động trên sóng radio với giá 102 triệu USD và đưa ra viễn cảnh nó sẽ bùng nổ tới con số 1,1 tỷ USD trong tương lai. Nhưng cuối cùng thì mảng kinh doanh này đã bị đóng cửa vào giữa năm 2009.
9. Nén video On2, 133 triệu USD
Google đã cố mua lại công ty cung cấp công nghệ nén tín hiệu hình ảnh này với giá 106 triệu USD song cuối cùng đã phải nhượng bộ các cổ đông của nó và mua với giá trị 133 triệu USD trong tháng 1/2010. Mùa hè năm ngoái, Google công bố chuyển công nghệ giải mã video VP8 của On2 thành mã nguồn mở và đổi tên thành WebM trong nỗ lực muốn dùng công nghệ này thay thế cho chuẩn H.264 đang được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn dành cho phim ảnh trực tuyến.
10. Trò chơi trực tuyến Slide, ước tính khoảng 228 triệu USD
Google đã mua công ty sản xuất ra trò chơi ăn khách SuperPoke này vào tháng 8/2010 với giá trị tương đối “khủng” (giá ban đầu chỉ là 182 triệu USD). Slide hiện vẫn đang hoạt động độc lập trong lòng Google và có vẻ chưa cống hiến được nhiều lắm cho Google+. Tuy nhiên nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo các ứng dụng độc lập cho Google như Photovine.
11. Nền tảng trao đổi quảng cáo trực tuyến thời gian thực Admeld, 400 triệu USD (nếu được thông qua)
Google tuyên bố mua Admeld vào tháng 6/2011 để cải thiện mảng kinh doanh quảng cáo hiển thị. Tuy nhiên các nhà chức trách lại nói họ cần xem xét kỹ vấn đề này. Nhưng chắc đó chỉ là vấn đề thời gian. Trước đây các cơ quan hữu quan cũng nói là sẽ phải “nghiên cứu” các trường hợp ITA và DoubleClick, nhưng sau đó các thương vụ này đều được hoàn tất.
12. Dịch vụ e-mail và bảo mật thư điện tử Postini, 625 triệu USD
Google mua công ty này vào tháng 6/2007 và tích hợp các tiện ích mở rộng (add-on) của nó như chống thư rác và lưu trữ vào hệ thống Gmail dành cho người dùng doanh nghiệp. Đây là buớc đi khá quan trọng của Google trong việc thâm nhập khối thị trường doanh nghiệp.
13. Dịch vụ du lịch ITA, 700 triệu USD
Google đã thành công trong việc sáp nhập dịch vụ chuyên cung cấp thông tin chuyến bay và các đại lý du lịch với giá không hề rẻ trong nỗ lực tạo sự khác biệt với các dịch vụ tìm kiếm cạnh tranh khác. Mặc dù vụ sáp nhập này nhận rất nhiều sự phản đối từ các đối thủ cạnh tranh có sử dụng các kết quả tìm kiếm liên quan đến ITA, song nó vẫn được chính phủ thông qua.
14. Quảng cáo di động AdMob, 750 triệu USD
Android chính là động lực thúc đẩy thị trường tìm kiếm di động, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ đối với Google. Hãng đã trả 750 triệu USD để mua lại AdMob vào tháng 11 năm 2009. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo AdMob, bao gồm cả người sáng lập kiêm CEO Omar Hamoui (ảnh) đều đã rời khỏi công ty. Nhiều nguồn tin cho biết sự sáp nhập này không thành công như mong đợi.
15. Chia sẻ video YouTube, 1,65 tỷ USD
Google đã tương đối mạo hiểm với các vấn đề liên quan tới bản quyền và sở hữu trí tuệ khi mua dịch vụ chia sẻ video này vào năm 2006. dưới sự điều hành khôn khéo của Google, YouTube bắt đầu có lãi và kiếm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Năm nay Google đang tăng số lượng nhân sự phụ trách YouTube lên 30% so với trước và xây dựng một đội ngũ bán quảng cáo đông đảo cho mảng này.
16. Công nghệ quảng cáo hiển thị DoubleClick, 3,1 tỷ USD
Vụ mua DoubleClick vào năm 2007 đã đưa Google trở thành “ông kẹ” trong lĩnh vực quảng cáo hiển thị (display advertising). Hiện giờ Google kiếm được khoảng 2,5 tỷ USD doanh thu từ mảng quảng cáo này nhưng trong đó có 1 tỷ USD do YouTube đóng góp. Như vậy quảng cáo hiển thị cũng chưa thể so sánh được với mảng kinh doanh cốt lõi của công ty là quảng cáo dựa trên từ khóa tìm kiếm. Song quảng cáo hiển thị là một mảng kinh doanh khá quan trọng trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay và dù sao thì mua lại một doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực này như DoubleClick vẫn dễ và nhanh hơn nhiều so với tự xây dựng một nền tảng như vậy