BVNTD

Nội dung các quy định để kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh theo Luật cạnh tranh Ấn Độ

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

1. Cơ sở pháp lý

Lạm dụng vị trí thống lĩnh, theo quy định của Luật Cạnh tranh Ấn Độ, được hiểu là hành vi do doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể trên một thị trường liên quan xác định thực hiện gây tác động phản cạnh tranh. Với mục tiêu thúc đẩy thị trường cạnh tranh tự do và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của mọi doanh nghiệp và cá nhân, Luật Cạnh tranh Ấn Độ không cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc có sức mạnh thị trường một cách đáng kể mà chỉ cấm việc lạm dụng sức mạnh thống lĩnh gây tác động phản cạnh tranh, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp đối thủ khác trên thị trường mà còn đối với người tiêu dùng và toàn xã hội. Điều này thể hiện quan điểm tiếp cận theo hướng “lớn không có nghĩa là xấu – big is not bad” của các nhà lập pháp Ấn Độ giống như ở nhiều nước khác.

Cách tiếp cận và quy định trên đây thực tế đã được đặt ra trong Đạo luật về các hành vi hạn chế thương mại và độc quyền của Ấn Độ ban hành năm 1969 (Monopolies and Restrictive Trade Practices Act, 1969). Tuy nhiên, quy định hiện tại trong Luật Cạnh tranh, trên cơ sở kế thừa quy định trong đạo luật trước đây, phản ánh những bước tiến mới, cụ thể và rõ ràng hơn. Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp thống lĩnh thực hiện một số dạng hành vi lạm dụng cụ thể và đưa ra một số yếu tố có thể được sử dụng nhằm xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Luật Cạnh tranh Ấn Độ quy định quy trình ba bước xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bao gồm (i) xác định thị trường liên quan, (ii) xác định vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan, và (iii) xác định hành vi lạm dụng.

2. Xác định thị trường liên quan

Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh phải được xác định hay gắn với một thị trường liên quan cụ thể. Theo quy định tại Điều 2, Luật cạnh tranh Ấn Độ, thị trường liên quan do Ủy ban cạnh tranh xác định bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Xác định thị trường liên quan là bước quan trọng đầu tiên nhằm xác định một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không.

Thị trường sản phẩm liên quan được xác định là toàn bộ các loại sản phẩm hay dịch vụ được người tiêu dùng coi là có khả năng thay thế hay hoán đổi cho nhau dựa trên cơ sở của các yếu tố đặc tính, giá cả và mục đích sử dụng cuối cùng. Theo quy định tại khoản 7, Điều 19, Luật cạnh tranh Ấn Độ, khi xác định thị trường sản phẩm liên quan Ủy ban cạnh tranh phải xem xét toàn bộ hoặc một số yếu tố sau:

          Các đặc điểm vật chất/cơ hữu hoặc mục đích sử dụng cuối cùng của sản phẩm,

          Mức giá cả của các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ,

          Sự ưa thích/mức độ ưa thích của người tiêu dùng,

          Tính chuyên biệt trong sản xuất,

          Sự chuyên biệt về nhãn mác sản phẩm của các nhà sản xuất,

          Sự phân loại hay danh mục của các sản phẩm công nghiệp.

Thị trường địa lý liên quan được xác định là một phạm vi hay khu vực địa lý nhất định trong đó có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể so với các khu vực địa lý lân cận. Theo quy định tại khoản 6, Điều 19, Luật Cạnh tranh Ấn Độ, khi xác định thị trường địa lý liên quan Ủy ban cạnh tranh phải xem xét toàn bộ hoặc một số các yếu tố sau:

          Các rào cản mang tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh,

          Các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật riêng của từng địa phương,

          Chính sách mua sắm công của quốc gia,

          Các điều kiện, phương tiện và cơ sở phân phối phù hợp,

          Các chi phí lưu thông/chi phí vận chuyển,

          Ngôn ngữ,

          Sự ưa thích của người tiêu dùng,

          Mức độ cần thiết của việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn hoặc chuyên nghiệp, hoặc mức độ đáp ứng nhanh chóng của các dịch vụ sau bán hàng.

3. Xác định vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan

Theo quy định tại khoản 4, Điều 19, Luật Cạnh tranh Ấn Độ, khi xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan hay không, Ủy ban cạnh tranh phải xem xét một số hoặc toàn bộ các yếu tố sau:

          Thị phần của doanh nghiệp,

          Quy mô và các nguồn lực của doanh nghiệp,

          Quy mô và tầm quan trọng của các doanh nghiệp đối thủ,

          Sức mạnh kinh tế của doanh nghiệp, bao gồm cả các lợi thế trong kinh doanh so với các doanh nghiệp đối thủ khác,

          Chuỗi liên kết dọc hoặc hệ thống phân phối hay cung ứng hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan,

          Mức độ phụ thuộc của người tiêu dùng vào các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ của doanh nghiệp,

          Vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh có được bởi nhờ cơ chế pháp lý hoặc do bản chất là một doanh nghiệp của nhà nước hoặc doanh nghiệp công ích hoặc do bất kỳ một yếu tố nào khác,

          Các rào cản gia nhập thị trường, bao gồm các dạng rào cản như rào cản pháp lý, rủi ro tài chính, mức vốn đầu tư ban đầu để gia nhập thị trường cao, rào cản liên quan đến quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, các rào cản kỹ thuật, lợi thế về quy mô kinh tế, phí chuyển đổi cao đối với người tiêu dùng,

          Sức mạnh đối kháng hay quyền lực từ phía người mua,

          Cấu trúc và quy mô của thị trường,

          Trách nhiệm xã hội và các chi phí xã hội,

          Những lợi thế liên quan, xét dưới góc độ tạo nên những lợi thế đối với các hoạt động kinh doanh, của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh mà có thể gây nên hoặc có khả năng gây nên tác động phản cạnh tranh,

          Hoặc bất kỳ một yếu tố nào khác mà Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ cho rằng có liên quan và hỗ trợ cho việc xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp.

Trên cơ sở quy định của Luật cạnh tranh, Ủy ban cạnh tranh của Ấn Độ xác định thị phần trên thị trường liên quan đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất làm cơ sở để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp. Để xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ phải xem xét một cách tổng thể và toàn diện yếu tố thị phần trong mối liên hệ với các yếu tố khác.

4. Xác định các dạng hành vi lạm dụng

Khoản 1, Điều 4, Luật Cạnh tranh Ấn Độ, quy định cấm các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh. Và theo quy định tại khoản 2 của điều này doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ bị coi là có hành vi lạm dụng trong các trường hợp sau:

(a)     Trực tiếp hoặc gián tiếp áp đặt:

          Điều kiện bất công bằng hoặc phân biệt đối xử trong việc mua hoặc bán các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ, hoặc

          Mức giá bất công bằng/quá mức hoặc phân biệt đối xử trong việc mua hoặc bán các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ (bao gồm cả việc bán dưới giá thành).

(b)     Hạn chế hoặc giới hạn:

          Sản xuất hàng hoá (số/khối lượng) hoặc cung ứng dịch vụ hoặc thị trường, hoặc

          Sự phát triển của khoa học và/hoặc kỹ thuật liên quan đến các hàng hoá hoặc dịch vụ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

(c)     Thực hiện hành vi có mục tiêu hoặc hành vi tạo ra tác động ngăn cản gia nhập thị trường [theo mọi hình thức].

(d)     Đưa ra điều kiện ký kết hợp đồng là phải chấp nhận thực hiện thêm các nghĩa vụ, về bản chất hoặc theo thông lệ kinh doanh/tập quán thương mại, không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

(e)     Sử dụng vị trí thống lĩnh trên một thị trường liên quan xác định để tham gia hoặc bảo hộ đối với một thị trường liên quan khác.

Nhằm áp dụng các quy định này, Luật cạnh tranh và Ủy ban cạnh tranh Ấn Độ có đưa ra khái niệm và cách hiểu cụ thể về một số dạng hành vi lạm dụng, gồm:

          Bán dưới giá thành, là việc doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh định giá bán các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ của mình thấp hơn tổng chi phí sản xuất hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ trong ngắn hạn nhằm mục tiêu loại bỏ đối thủ cạnh tranh và giành thị phần.

          Định giá quá mức, là việc doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh định giá sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ của mình cao hơn một cách bất hợp lý so với giá trị thực hay giá thành,

          Phân biệt giá, là việc doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thực hiện chính sách phân biệt giá đối với các khách hàng trong cùng điều kiện mua bán giống nhau mà không dựa trên những chính sách bán hàng cụ thể (ví dụ, giảm giá trên cơ sở số, khối lượng hàng hoá mua bán),

          Giảm giá hay chiết khấu không dựa trên chính sách hay tiêu chí rõ ràng về số, khối lượng mua bán hàng hoá, ví dụ như việc chiến khấu gắn với điều kiện người mua phải mua toàn bộ hoặc phần lớn sản phẩm từ doanh nghiệp thống lĩnh, hoặc việc dành tín dụng cho khách hàng chỉ mua duy nhất các sản phẩm từ doanh nghiệp thống lĩnh có thể được xem xét dưới góc độ chương trình giảm giá cho khách hàng trung thành,

          Giao dịch độc quyền trong dài hạn có khả năng gây tác động ngăn cản hoặc tạo ra rào cản cho việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác,

          Từ chối giao dịch, là việc doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh từ chối cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian cho các doanh nghiệp hoạt động trong khâu sản xuất tiếp theo dẫn tới tác động ngăn cản hoặc tạo ra rào cản cho việc gia nhập thị trường, hoặc làm giảm cạnh tranh trên thị trường sản xuất,

          Bán kèm, là việc doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thực hiện chính sách bán một loại hàng hoá hay dịch vụ kèm theo một loại hàng hoá hay dịch vụ khác và không cho phép người tiêu dùng được lựa chọn hình thức mua riêng biệt từng loại hàng hoá hay dịch vụ.

Như vậy, Luật Cạnh tranh Ấn Độ hướng tới kiểm soát các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh lạm dụng sức mạnh của mình để cản trở sự phát triển của thị trường (thông qua việc ngăn cản hay cản trở việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp khác, hoặc loại doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường) hoặc để trục lợi.

Cách hành văn trong quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh tại Điều 4, Luật Cạnh tranh Ấn Độ cho thấy các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị coi là vi phạm mặc nhiên (per se violation). Tuy nhiên, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để hạn chế hay ngăn cản gia nhập thị trường hoặc loại bỏ, theo định nghĩa, khi xác định hành vi vi phạm đòi hỏi phải chứng minh tác động ngăn cản gia nhập thị trường hoặc tác động loại bỏ.

5. Hình thức và mức độ xử lý

Theo quy định tại Điều 27, Luật Cạnh tranh Ấn Độ, sau khi điều tra và trong trường hợp xác định doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, Ủy ban cạnh tranh có thẩm quyền:

(a)   Yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt hành vi,

(b)   Xử phạt tiền tối đa tới 10% tổng doanh thu trung bình trong ba năm tài chính liên tiếp trước năm bị phát hiện thực hiện hành vi vi phạm.

Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương