edf40wrjww2News:News_Content
Giai đoạn điều tra cơ bản đầu tiên trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh là đi xác định xem liệu doanh nghiệp bị điều tra có vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Để làm được điều này thì bước đầu tiên là phải xác định thị trường liên quan. Đây là một bước điều tra quan trọng trong các vụ việc lạm dụng bởi vì vị trí thống lĩnh chỉ có thể tồn tại trên một thị trường cụ thể. Để xác định thị trường liên quan thì cần xác định thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
– Thị trường sản phẩm liên quan được xác định đối với toàn bộ các loại sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng cho rằng có thể thay thế cho nhau bởi đặc tính, giá cả và mục đích sử dụng,
– Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý nhất định trong đó các điều kiện cạnh tranh đối với các sản phẩm, dịch vụ có sự tương đồng.
Sau khi xác định thị trường liên quan, bước tiếp theo là xác định thị phần của doanh nghiệp bị điều tra trên thị trường liên quan. Thị phần là dấu hiệu cơ bản đầu tiên thường được sử dụng để nhận biết doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trên cơ sở tương quan so sánh với các doanh nghiệp khác. Quan điểm của Ủy ban Châu Âu cũng như các cơ quan cạnh tranh ở các quốc gia là mức thị phần chiếm giữ càng cao, thời gian chiếm giữ mức thị phần cao càng dài thì dấu hiệu cơ bản được thể hiện càng rõ về doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Nếu doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên quan nhỏ hơn 40% thì dường như sẽ không có vị trí thống lĩnh.
Bên cạnh yếu tố thị phần, Ủy ban Châu Âu còn phải xem xét hàng loạt yếu tố khác trước khi đưa ra kết luận về doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, trong đó bao gồm cả việc đánh giá mức độ của các rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp khác, đánh giá sức mạnh của người mua trong tương quan với sức mạnh của doanh nghiệp bị điều tra, đánh giá tổng quan về quy mô và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bị điều tra cũng như các nguồn lực nội tại của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật cạnh tranh Châu Âu, bản thân việc doanh nghiệp nắm giữ sức mạnh thị trường hay vị trí thống lĩnh không phải là hành vi vi phạm. Doanh nghiệp thống lĩnh được cho phép hoạt động kinh doanh và cạnh tranh công bằng giống như các doanh nghiệp khác trên thị trường. Tuy nhiên, một doanh nghiệp thống lĩnh bị yêu cầu phải có những trách nhiệm nhất định đối với cộng đồng và môi trường cạnh tranh, mà cụ thể là các hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh không được xâm hại tới cạnh tranh. Một số ví dụ về những hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh có thể bị coi là hành vi lạm dụng như yêu cầu những người mua phải mua tất cả các nhãn hàng của một loại sản phẩm nhất định và chỉ mua duy nhất từ doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh (giao dịch độc quyền), định giá sản phẩm thấp hơn giá thành (bán dưới giá thành), từ chối giao dịch, định giá quá mức.
Thẩm quyền và thủ tục điều tra của Ủy ban Châu Âu và cơ quan cạnh tranh ở các nước thành viên trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh bao gồm:
– Gửi yêu cầu cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp trên thị trường,
– Trong khuôn khổ của một cuộc điều tra có thể:
+ Tới trực tiếp trụ sở, cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp để làm việc hoặc khám xét,
+ Xem xét các giấy tờ, sổ sách liên quan tới hoạt động kinh doanh,
+ Phô tô hoặc sao lại các thông tin cần thiết,
+ Niêm phong trụ sở, cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện ghi âm trong suốt quá trình điều tra,
+ Hỏi các nhân viên công ty hoặc những người đại diện của công ty các câu hỏi liên quan tới các hoạt động điều tra và ghi nhận câu trả lời.
Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra cơ bản, Ủy ban cạnh tranh Châu Âu có thể đưa ra quyết định về việc có nên dành ưu tiên để tiếp tục điều tra vụ việc và tiếp tục tổ chức điều tra sâu hơn hay dừng vụ việc lại.
Khi hoàn tất điều tra vụ việc, Ủy ban Châu Âu có thể đưa ra một bản cáo trạng (Statement of objections). Cáo trạng này sẽ cho các bên liên quan trong vụ việc biến chính xác những cáo buộc vi phạm của Ủy ban Châu Âu đối với họ. Điều này cũng là nhằm tạo cơ hội cho bên bị cáo buộc có hành vi vi phạm trong vụ việc thực hiện quyền biện hộ (rights of defence) của mình. Sau khi xem xét các luận điểm mà bên bị cáo buộc đưa ra thông qua việc biện hộ, Ủy ban Châu Âu có thể cân nhắc lại những cáo buộc của mình, và trong một số ít trường hợp có thể thu lại cáo buộc và dừng vụ việc. Trong trường hợp sự biện hộ của bên bị cáo buộc không đủ tính thuyết phục, Ủy ban Châu Âu sẽ đưa ra quyết định trong đó bao gồm các cáo buộc về hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử lý.
Phùng Văn Thành – Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh