edf40wrjww2News:News_Content
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phát triển sôi động với sức cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp thì việc ra đời Luật Cạnh tranh để đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh là hết sức cần thiết. Trên thế giới, Đông Á được biết tới như khu vực sôi động nhất với “4 con rồng kinh tế và hàng loạt các nước công nghiệp mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tại khu vực này, trước đây luật cạnh tranh là một thuật ngữ xa lạ nhưng trong vòng một thập kỷ gần đây rất nhiều nước đã ban hành pháp luật cạnh tranh như Singapore (2004), Việt Nam (2004), Trung Quốc (2007), Malaysia (2010)… Kể từ khi ban hành luật cạnh tranh, khu vực này ghi nhận một quá trình tiến triển rất rõ ràng trong việc thực thi luật. Cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước đã rất tích cực tuyên truyền phổ biến luật cũng như tiến hành điều tra và xử lý các vụ việc.
Trong năm 2012, các cơ quan quản lý cạnh tranh trong khu vực Đông Á đã phạt các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh với tổng số tiền phạt lên tới 969 triệu USD. Trong đó, số tiền phạt các doanh nghiệp có hành vi thông đồng trong đấu thầu là 596 triệu USD; 351 triệu USD là số tiền phạt các doanh nghiệp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; các hành vi khác bị phạt 22 triệu USD. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cạnh tranh ở Đài Loan, Indonesia và Hàn Quốc đều tiến hành xử phạt các doanh nghiệp không thông báo sáp nhập hoặc thông báo muộn lên các cơ quan chức năng. Mặc dù chỉ là một trong những yếu tố để đánh giá hiệu quả thực thi Luật Cạnh tranh, tuy vây tổng số tiền phạt cho thấy được sự nghiêm khắc trong việc thực thi luật và lại phản ánh được thực trạng tình hình cạnh tranh của nền kinh tế.
Bảng 1: Tổng kết số vụ việc và số tiền phạt tại Đông Á năm 2012
Cơ quan cạnh tranh |
Số vụ việc năm 2012 |
Tổng số tiền phạt
(triệu USD) |
Hàn Quốc |
23 |
721,6 |
Nhật Bản |
5 |
232,1 |
Đài Loan |
13 |
7,4 |
Indonesia |
5 |
3,9 |
Trung Quốc |
4 |
3 |
Sigapore |
1 |
0,2 |
Việt Nam (*) |
26 |
0,05 |
Malaysia |
1 |
0 |
(*): Số liệu của Việt Nam bao gồm tất cả các vụ việc cạnh tranh được xử lý theo Luật Cạnh tranh
Trong năm nay, các cơ quan có tổng mức phạt cao nhất vẫn thuộc về Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngược lại với Hàn Quốc và Nhật Bản, tổng số tiền phạt Ủy ban Thương mại lành mạnh Đài Loan thu được, khá khiêm tốn mặc dù số vụ việc bị xử phạt do Ủy ban tiến hành khá nhiều. Trung Quốc, Indonesia và Singapore thuộc về nhóm thứ 3 về tổng số mức tiền phạt. Vị trí của các nước trong Bảng tổng kết năm 2012 hầu như không có thay đổi nhiều so với năm 2011, trong đó khu vực Đông Bắc Á vẫn áp đảo về mức độ thực thi so với các quốc gia Đông Nam Á.
Bảng 2: Tổng kết số vụ việc và số tiền phạt tại Đông Á năm 2011
Quốc gia |
Số vụ việc |
Mức phạt (triệu USD) |
Hàn Quốc |
31 |
1.173 |
Nhật Bản |
10 |
363 |
Indonesia |
7 |
6 |
Đài Loan |
7 |
4 |
Trung Quốc (*) |
4 |
1,4 |
Việt Nam (**) |
32 |
0,68 |
Singapore |
2 |
0,4 |
(*): Số liệu của Trung Quốc được tính tổng thông qua các thông cáo báo chí và quy đổi sang USD bằng tỷ giá công bố ngày 02/1/2012
(**): Số liệu của Việt Nam bao gồm tất cả các vụ việc cạnh tranh được xử lý theo Luật Cạnh tranh
Nếu so sánh với năm 2011 có thể thấy các vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh bị xử lý đã giảm đi tương đối cả về số lượng vụ việc lẫn mức phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, phạt tiền doanh nghiệp nhiều không có nghĩa hoạt động thực thi luật cạnh tranh đang rất tích cực – điều này chỉ mang tính tương đối, do đó không thể dựa vào số tiền phạt để xác định luật cạnh tranh ở một nước có được thực thi hiệu quả hay không.
Đánh giá theo từng ngành công nghiệp cũng cho thấy rằng, những ngành cần nhiều vốn đầu tư là những ngành bị phạt nhiều nhất với các hành vi thông đồng đấu thầu và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhiều nhất. Trong đó đứng đầu là ngành thép với số tiền phạt lên tới 265 triệu USD, ngành vận tải đứng thứ 2 với số tiền phạt 208 triệu USD, vị trí thứ 3 thuộc về ngành xây dựng – 139 triệu USD. Tiếp theo là ngành thực phẩm, hóa chất và điện tử.
Có thể dễ dàng nhận thấy đây là những ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế, đóng góp phần lớn vào GDP hàng năm cũng như quy mô xuất khẩu của các nước. Do đó, việc những ngành công nghiệp này duy trì được môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh rất quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Nhìn chung, trong năm 2012, các nước Đông Á khá thành công trong việc xử lý các vụ việc vi phạm Luật cạnh tranh và răn đe những hành vi tương tự trong tương lai.
Căn cứ trên tính linh động của xu hướng thực thi Luật, số lượng vụ việc và căn cứ một phần vào tổng số tiền phạt, có thể thấy rằng trong năm 2012, cơ quan quản lý cạnh tranh các nước Đông Á đã tích cực trong việc thực thi Luật Cạnh tranh, duy trì một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Qua các kết quả này, các nước trong khu vực Đông Á đã tiếp tục giữ vững vị thế kinh tế của mình trên thế giới cũng như tiếp tục thu hút đầu tư cho khu vực này.
Vân Anh