BVNTD

Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp”

22/07/2019

edf40wrjww2News:News_Content

Tham dự buổi toạ đàm có đại diện các cơ quan hữu quan như Sở Công Thương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, cơ quan quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (World Federation of Direct Selling Associations – WFDSA), tổ chức giáo dục bán hàng trực tiếp (Direct Selling Education Foundation – DSEF) và đại diện của hơn 30 doanh nghiệp tổ chức bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc ông Bạch Văn Mừng Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã nêu lên thực trạng công tác đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt nam hiện nay còn chưa đồng bộ và có nhiều hạn chế. Với sự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của đại diện đến từ Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA) và tổ chức giáo dục bán hàng trực tiếp (DSEF) về công tác đào tạo và quản lý người tham gia bán hàng đa cấp, hy vọng hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, ổn định; các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật, sẽ cùng xây dựng và tuân thủ những nội quy và tiêu chuẩn ngành nhằm loại bỏ những hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.


     Bài trình bày của Bà Tamuna Gabilaia giám đốc điều hành Liên đoàn các hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới đã giới thiệu sơ lược về sự hình thành và phát triển của Liên đoàn, khái quát tình hình phát triển của hoạt động bán hàng trực tiếp trên toàn thế giới trong thời gian gần đây, đồng thời Bà Tamuna Gabilaia đã giới thiệu về kinh nghiệm đưa ra Bộ quy tắc tự điều chỉnh, tự tuân thủ để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán hàng trực tiếp và người tham gia bán hàng trực tiếp tự thực hiện và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. Bộ quy tắc này đề cao việc các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng trực tiếp tự tuân thủ các quy định do Liên đoàn và các hiệp hội đặt ra bên cạnh việc tuân thủ các quy định của từng nước. Bà Bettie L. Smith đến từ Tổ chức giáo dục bán hàng trực tiếp (DSEF) nhấn mạnh việc tự thực hiện và tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


     Bên cạnh các bài trình bày của các chuyên gia nước ngoài, tại buổi Toạ đàm các đại biểu đã được nghe bài trình bày của các đại diện đến từ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam trao đổi về: Sự cần thiết phải đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp; Kinh nghiệm trong công tác đào tạo và quản lý người tham gia bán hàng đa cấp của các Công ty trong thời gian vừa qua; Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; và các kiến nghị về kế hoạch, chương trình đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp trong thời gian tới…

Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, là tổ chức xã hội nghề nghiệp vừa được Chính phủ cho phép thành lập và hoạt động, có bài trình bày về thực trạng công tác đào tạo của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian qua, bài tổng kết đã nhấn mạnh việc có những hạn chế trong công tác đào tạo tại các doanh nghiệp, trong thời gian qua người tham gia bán hàng đa cấp của một số công ty bán hàng đa cấp đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây bất bình trong xã hội như: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá; và cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Từ thực tế còn nhiều hạn chế trên, Hiệp hội Bán hàng đa cấp mong muốn phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng chương trình đào tạo toàn diện cho người tham gia bán hàng đa cấp cho người tham gia bao gồm bốn lĩnh vực chính: kiến thức pháp luật, kiến thức về sản phẩm kinh doanh trong ngành bán hàng đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong ngành bán hàng đa cấp, và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước, để từ đó người tham gia bán hàng đa cấp tại các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam sẽ có kiến thức đầy đủ về pháp luật, về sản phẩm cũng như về đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, nhằm từng bước góp phần đưa hoạt động bán hàng đa cấp trở lên lành mạnh, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, người tiêu dùng được mua những sản phẩm đúng giá trị, có chất lượng cao, tăng thêm nguồn thu từ thuế nộp vào ngân sách nhà nước.

Phát biểu Bế mạc, ông Bạch Văn Mừng Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh hoàn toàn ủng hộ Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tổ chức và thực hiện các chương trình đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp, để từ đó kinh doanh đúng pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

 Trung Thướng

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương