BVNTD

Vụ việc cạnh tranh đầu tiên của Ấn Độ được hưởng chính sách khoan hồng

22/07/2019

      CCI tiến hành điều tra vụ việc từ tháng 5 năm 2016 sau khi nhận được thông tin do Công ty Năng lượng Panasonic Ấn Độ (“Panasonic”) cung cấp về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của một số công ty sản xuất và kinh doanh pin theo chương trình khoan hồng cạnh tranh.

      Kết quả điều tra cho thấy, một số công ty  sản xuất pin đã tiến hành thỏa thuận tăng giá và phân chia thị trường theo khu vực và loại sản phẩm pin. Hành vi ấn định giá không chỉ giới hạn ở giá bán lẻ mà còn áp dụng trên toàn bộ hệ thống phân phối, bao gồm thỏa thuận ấn định giá bán buôn, giá chiết khấu … Các công ty sản xuất cũng tiến hành phân chia thị khách hàng/thị trường bằng cách yêu cầu các bên tham gia ngừng cung cấp một số loại pin nhất định ở một số khu vực cụ thể. Hiệp hội các nhà sản xuất pin khô đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong quá trình thỏa thuận này. Các công ty đã thảo luận về giá tại các cuộc họp của Hiệp hội và không lâu sau đó Eveready (Công ty Eveready Industries India) ra thông báo tăng giá. Tiếp đến là Nippon (nhãn hiệu pin do Công ty Indo National Ltd cung cấp tại thị trường Ấn Độ) và Panasonic cũng tăng giá tương tự.
      Căn cứ vào chính sách khoan hồng, Panasonic được miễn 100% tiền phạt và đây cũng là công ty đầu tiên được hưởng miễn trừ theo chính sách khoan hồng về cạnh tranh của Ấn Độ. Công ty Eveready và Công ty Indo National Ltd cũng tham gia chương trình khoan hồng và theo đó cũng được hưởng chính sách khoan hồng, giảm tương ứng  30% và 20% tiền phạt. Cụ thể, Eveready bị phạt 1.715,5 triệu rupi (tương đương với 26 triệu USD) và Indobị phạt 422,6 triệu rupi (tương đương với 6.5 triệu USD).
      Đồng thời, theo chính sách khoan hồng của Ấn Độ (được sửa đổi vào 2017), giám đốc của các công ty nói trên cũng được hưởng chính sách khoan hồng, được giảm tiền phạt với tỷ lệ tương ứng với mức giảm mà công ty được hưởng. Trong khi đó, Hiệp hội không được giảm phạt do không đề nghị hưởng khoan hồng.
      Theo Luật Cạnh tranh  2018 của Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, chính sách khoan hồng là một trong những điều khoản mới nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quá trình điều tra các vụ việc có dấu hiệu thông đồng nhằm cản trở cạnh tranh bình đẳng, tự do. Theo đó, tùy thuộc vào thời điểm và mức độ tham gia chính sách khoan hồng, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể được miễn, giảm các hình phạt của cơ quan cạnh tranh áp dụng đối với hành vi tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
(Văn phòng)
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương