Toàn bộ ngành hàng không trên thế giới đều gặp khó khăn
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành hàng không trong tổng thể kinh tế thế giới. Ngành hàng không đóng góp khoảng 2,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu, tức tương đương khoảng 3,6% GDP thế giới.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA) công bố nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn thế giới giảm đến 52,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không như vậy cao chưa từng có trong lịch sử. Theo các chuyên gia ngành, nó là kết quả trực tiếp từ các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ nhiều nước đang áp dụng để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan mạnh. Hiện nay, toàn bộ ngành hàng không toàn cầu, ở tất cả các Châu lục đều gặp khó khăn.
Tại Châu Á
– Trung Quốc, Quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Covid -19 tổng số hành khách của ngành đã giảm 84,5% trong tháng 2 – tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 40% số lượng hành khách nội địa trong tháng 4. Cổ phiếu các hãng bay lớn của Trung Quốc như Air China, China Southern và China Eastern Airlines đều giảm ít nhất 15% trên sàn Thượng Hải.
– Ngày 21/4/2020, Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do COVID-19, quyền kiểm soát doanh nghiệp được trao cho công ty kiểm toán Deloitte. Virgin Australia cũng là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á sụp đổ trước ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Máy bay của Virgin Australia nằm dài trên đường băng
– Trong tháng 5, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways International đã nộp đơn bảo hộ phá sản. Từ năm 2013 đến nay, hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã liên tục thua lỗ. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thai Airways là 257 tỷ bath trong khi đó tổng nợ của hãng là 245 tỷ bath.
Không đến mức định tuyên bố phá sản như Thai Airways nhưng các hãng bay tại Đông Nam Á cũng đã trải qua nhiều tháng chật vật vì đại dịch. Garuda Indonesia đã cho khoảng 800 nhân viên tạm nghỉ trong tháng 5. SingaporeAirlines phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu để huy động thêm vốn.
Tại Việt Nam
Các hãng hàng không Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề, trong dịch COVID-19 chỉ khai thác 1 – 2% đội bay. Hiện nay, hàng không Việt Nam chỉ khôi phục được một phần và còn khoảng 50% đội tàu bay vẫn không hoạt động.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) Phạm Việt Dũng, kế hoạch tổng sản lượng điều hành bay năm 2020 của VATM dự kiến chỉ đạt 436.000 lần chuyến, bằng 44,8% so với thực hiện năm 2019, giảm hơn 537.000 lần chuyến (so với thực hiện 2019), trong đó điều hành bay đi, đến bằng 32,5% so với thực hiện năm 2019. Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Việt Nam Airlines dự kiến năm 2020, hãng sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Dịch bệnh đã kéo hàng không “chậm lại” 3 – 4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước của đơn vị này coi như về 0.
VietJet Air kết thúc quý II/2020, trong bối cảnh đại dịch, hãng nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, và mức lỗ 1.122 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng.
Tập đoàn Vincom, tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không sau khi đã đăng kí thương hiệu hàng không Vinpearl Air.
Tại Châu Âu
Tháng 3/2020, hãng hàng không Flybe của Anh cũng buộc phải tuyên bố không thể tiếp tục duy trì hoạt động bởi công việc kinh doanh quá khó khăn.
Tháng 5/2020, một loạt các hãng hàng không lớn của thế giới như British Airways của Anh, Vueling và Iberia của Tây Ban Nha phải công bố cắt giảm mạnh chi phí nhằm duy trì hoạt động. Vào đầu tháng 5/2020, British Airways thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên.
Hãng hàng không hàng đầu của Đức Lufthansa đã phải nộp đơn xin bảo hộ theo luật phá sản của Cộng hòa liên bang Đức.
Tại Châu Mỹ
Ngày 12/5/2020, Avianca – Hãng hàng không quốc gia Colombia đã nộp thủ tục phá sản. Avianca là hãng hàng không có lịch sử hoạt động liên tục lâu đời thứ 2 trên thế giới. Hãng hàng không lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh đã ngừng bay kể từ tháng 3 khi đại dịch virus corona bùng phát. Hơn 140 máy bay của hãng đã buộc phải dừng hoạt động kể từ khi Tổng thống Colombia Ivan Duque đóng cửa không phận nước này hồi tháng 3. Hầu hết 20.000 nhân viên của hãng đã được nghỉ phép không lương.
Xu hướng tái cơ cấu ngành hàng không
Trước những khủng hoảng toàn ngành hàng không, rất nhiều hãng hàng không đã tiến hành tái cơ cấu trong nội bộ kết hợp các biện pháp thắt chặt chi tiêu, giảm nhân sự, giờ làm, xin trợ giúp từ chính phủ nước sở tại…
Cuối tháng 5, chính phủ Đức và Lufthansa đạt được thỏa thuận sơ bộ về khoản cứu trợ trị giá 9 tỷ euro sau nhiều tuần đàm phán. Theo kế hoạch, Chính phủ Đức sẽ bơm 6 tỷ euro cứu trợ hãng khỏi phá sản đổi lấy việc Chính phủ Đức sẽ nắm giữ 20% cổ phần của công ty. Ngoài ra Chính phủ Đức sẽ đứng ra bảo lãnh cho Lufthansa vay 3 tỷ euro từ các khoản cho vay công.
Ngày 20/5/2020, nội các Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc tài chính của Thai Airways sau khi hãng đệ đơn phá sản lên toà án. 26/5 nội các Thái Lan đã bổ nhiệm một Phó thủ tướng phụ trách ủy ban chính phủ để giám sát quá trình phá sản và tái cơ cấu của Thai Airways. Cùng khoảng thời gian đó 8 hãng hàng không khác: bao gồm Bangkok Airways Pcl (BA.BK), Thai AirAsia, Thai AirAsia X, Thai Lion Air, Thai Vietjet Air, Thai Smile, NokScoot và Nok Airlines Pcl xin chính phủ Thái Lan hỗ trợ khoản vay 770 triệu USD, lãi suất vay ưu đãi 2% và trả dần tiền trong vòng 5 năm.
Trước tình hình khó khăn, các vụ tập trung kinh tế trong lĩnh vực hàng không đã và đang được tiến hành
Jeju Air Co.LTd (Jeju Air) đã ký thỏa thuận để mua lại 4.971.000 cổ phần tương đương 51,17% cổ phần của Eastar Jet Co.Ltd (Eastar Jet) giá trị giao dịch khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Eastar Jet liên tục kinh doanh thua lỗ từ năm 2013 – 2019 với khoản nợ tồn đọng lên tới 115,2 tỷ won. Hiện nay hãng đã ngừng cung cấp dịch vụ trên các chuyến bay nội địa và quốc tế do tác động của đại dịch. Hai công ty hàng không có trụ sở tại Hàn Quốc hiện đang chờ đợi sự chấp thuận của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực. Vừa qua, Hai công ty trên đã nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương Việt Nam.
Malaysia Airlines Bhd (MAB) và AirAsia Group Bhd (AIRA.KL) tiếp tục triển khai kế hoạch M&A. Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết, các cuộc thảo luận về việc sáp nhập Malaysia Airlines Bhd và AirAsia Group Bhd đã được xem xét từ giữa năm ngoái và sẽ tiếp tục được tiến hành. Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia Malaysia, trong khi đó AirAsia một hãng hàng không tư nhân giá rẻ có trụ sở tại Malaysia và hoạt động ở nhiều quốc gia. Chính phủ Malaysia cam kết sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không của nước này.
Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas của Australia, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) sẽ triển khai tái cơ cấu. Theo dự kiến, Vietnam Airlines tiếp nhận việc chuyển giao toàn bộ 30% cổ phần của Qantas tại JPA, Qantas sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Dự kiến, hãng hàng không Jetstar Pacific sẽ tiến tiến hành các thủ tục đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines với logo và bộ phận nhận diện thương hiệu mới.
Có thể thấy, xu hướng tái cơ cấu ngành hàng không đang diễn ra trên toàn thế giới sau những giai đoạn tăng trưởng vượt trội của ngành trong những năm vừa qua. Đây là các giao dịch M&A rất phức tạp với quy mô nguồn vốn lớn có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng không của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ mở ra các cơ hội và thay đổi diện mạo ngành trong thời gian tới. Bởi tầm quan trọng của các thương vụ trên, phần lớn các vụ tập trung kinh tế trong ngành hàng không sẽ phải xin ý kiến của cơ quan cạnh tranh nước sở tại và các cơ quan cạnh tranh nơi các hãng hàng không chiếm thị phần lớn.